Theo đồng chí Hoàng Ngọc Đường- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thì phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và du lịch văn hóa. Các tiềm năng này đang từng bước được khơi dậy. Tuy nhiên để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Muốn phát triển du lịch phải xã hội hoá để thu hút đầu tư mà trung tâm là khu du lịch Vườn quốc gia Ba Bể. Từ cuối năm 2012, tỉnh Bắc Kạn đã mời tư vấn người Nhật xây dựng quy hoạch cụ thể, hiện nay đã trải qua 3 lần hội thảo. Khi bản quy hoạch hoàn thành tỉnh sẽ có những cơ chế ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào Ba Bể, xây dựng các khu vui chơi giải trí, ẩm thực, khu du lịch văn hóa, khu du lịch nghỉ dưỡng với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, cảnh quan Vườn Quốc gia Ba Bể.
Nhà sàn ở bản Pác Ngòi, Nam Mẫu (Ba Bể)
Việc quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 hiện đã trải qua 3 lần hội thảo, có sự tham gia tư vấn của chuyên gia Nhật Bản, đó là tín hiệu vui cho những người làm du lịch tỉnh nhà. Hiện nay mô hình du lịch cộng đồng đã mang lại điểm nhấn và sức hấp dẫn cho các du khách. Tại khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể, các mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo được ấn tượng với du khách đặc biệt là các du khách nước ngoài. Ngoài thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu thực hiện mô hình này, còn có thôn Bó Lù. Mô hình tiếp tục được mở rộng sang các xã lân cận như Khang Ninh…
Dù có sự giao thoa văn hóa và chịu ít nhiều tác động từ hoạt động du lịch nhưng nhiều nét văn hóa truyền thống từ bao đời của đồng bào Tày ở Pác Ngòi vẫn được gìn giữ như một vốn quý. Hiện nay các hộ gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng với sự tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ từ Dự án 3PAD đã được tập huấn về cách phục vụ du khách, xây dựng thực đơn, giá cả hợp lý, tổ chức lưu trú, vệ sinh môi trường sinh thái… Ngoài giúp người dân phục vụ tốt du khách, thì đây cũng là một hình thức quan trọng thu hút khách du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng vừa giúp nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời là một hình thức quan trọng trong công tác quảng bá du lịch cũng như văn hóa, lịch sử của tỉnh. Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên nên sản phẩm du lịch của các tỉnh khu vực Việt Bắc có nhiều nét chung. Cả 6 tỉnh đều lựa chọn du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử làm thế mạnh và tổ chức các tua du lịch liên vùng.
Đồng chí Đồng Văn Lưu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cho biết: Trong thời gian tới, ngành tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh ra bên ngoài; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống khách sạn, nhà hàng, các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch đạt tiêu chuẩn; phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí tại khu vực hồ Ba Bể nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, khuyến khích mở thêm các khu du lịch mới; khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng lưu niệm…
Để du lịch tỉnh ta phát triển tương xứng với tiềm năng và trở thành một trong những nền kinh tế mũi nhọn đúng như tinh thần của Nghị quyết nêu ra, ngoài xây dựng một chiến lược chi tiết, với các nhóm giải pháp khả thi, cụ thể thì tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hoá./.
Nguồn tin: