Sau hơn 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Kạn có bước chuyển mình mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó du lịch giành được sự quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư trong giai đoạn hiện nay với kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.
Sự kiện Tuần Du lịch - Di sản văn hoá Ba Bể năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. |
Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Trong đó, trọng điểm là Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, Khu RAMSA thứ 1.938 của thế giới, di tích lịch sử văn hóa quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều thắng cảnh khác và di tích An toàn khu Chợ Đồn cùng nhiều lễ hội, phong tục đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đến nay nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về lợi ích phát triển du lịch đã được nâng lên. Hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 1997-2021 du lịch phát triển khá, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được đầu tư xây dựng, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 4 triệu lượt, tốc độ tăng doanh thu du lịch bình quân đạt 20%/năm. Sau 02 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giờ đây cùng với cả nước, du lịch Bắc Kạn đã nhanh chóng bắt tay khôi phục. 06 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh đón gần 240.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 230.000 lượt khách nội địa và gần 800 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 164 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về tổng thể thì du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; nguồn vốn đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp; các khu, điểm du lịch chưa có quy hoạch chi tiết; công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp; tỉnh chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm toàn diện đến phát triển du lịch; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được thực hiện thường xuyên; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế.
Một trong những giải pháp mà tỉnh đề ra là tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, đa dạng hoá và nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch. Để thực hiện giải pháp đó, trong thời gian qua tỉnh đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: Tổ chức các cuộc xúc tiến du lịch, quảng bá điểm đến du lịch ở khắp các tỉnh, thành phố lớn có tầm ảnh hưởng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia các hoạt động Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc; tổ chức hội nghị tham vấn các nhà quản lý, chuyên gia về lĩnh vực kinh tế, du lịch để tiếp thu các ý kiến đóng góp; tổ chức các sự kiện lớn như: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm; “Tuần Du lịch – Di sản văn hóa Ba Bể năm 2022”…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến đầu tư công khoảng hơn 7.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông, trong đó trọng điểm là đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố Bắc Kạn và đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang). Năm 2021 tỉnh đã khởi công xây dựng tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, hiện nay công trình này đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ đến các điểm, khu du lịch.
Để thu hút khách du lịch thì các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch phải phong phú và đa dạng. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2022; phát triển các sản phẩm OCOP để tạo ra sản phẩm bán cho du khách, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch khai thác tốt tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn… đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách.
Cùng với du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở tiềm năng, yếu tố về địa hình, cảnh sắc thiên nhiên, giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống và qua khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh trong khu vực về mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh đã thống nhất quyết tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai. Hiện nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiến hành xây dựng Đề án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với các chính sách cụ thể để trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Với tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động; hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường sống tốt; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước. Hoàn thành mục tiêu đó, chắc chắn có sự đóng góp quan trọng của ngành kinh tế du lịch./.
Nguồn tin: