Thực hiện Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt đề án lập hồ sơ khoa học di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-SVHTTDL ngày 22/12/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giao chỉ tiêu kế hoạch công tác Văn hóa, Gia đình,Thể thao và Du lịch năm 2023.
Ngày 15 tháng 6 năm 2023, Bảo Tàng tỉnh Bắc Kạn Phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng có liên quan, chính quyền 02 xã Mỹ Phương và Yến Dương thống nhất khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử Pích Cáy xã Mỹ Phương và di tích lịch sử Phiêng Khăm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nói chung xã Yến Dương và xã Mỹ Phương nói riêng đã vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm nơi căn cứ hoạt động cách mạng.
Tháng 2/1943, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, 19 đội Nam Tiến được tổ chức thành hai mũi chính từ Nguyên Bình tiến vào Bắc Kạn, bám sát quốc lộ số 3, tiến xuống phía nam, mỗi mũi do một đội công tác chính phụ trách. Theo các triền núi cao, một mũi phát triển phong trào trong vùng đồng bào Dao từ bắc Ngân Sơn đến Hà Hiệu (Chợ Rã), từ đó vượt qua Phja Bjoóc xuống phía bắc Chợ Đồn.…Mũi thứ hai theo hướng tổng Bằng Đức (Ngân Sơn) tiến xuống vùng Phủ Thông (Bạch Thông), xây dựng lực lượng trong vùng đồng bào Tày, Nùng ở vùng thấp.
Tháng 9 năm 1943, một mũi Nam tiến do ông Nông Văn Quang phụ trách đến Vằng Kheo rồi sang Pích Cáy tuyên truyền. Tại nhà ông Vần, ông Quang đã chủ trì tổ chức “ lấy tiết gà hòa vào bát rượu, rồi mọi người chuyền tay nhau uống xin thề vào Hội Việt minh”. Khi đó, Phó quản chiểu Triệu Đức Vần là người đầu tiên giác ngộ cách mạng.
Cũng trong năm 1943, tại nhà ông Triệu Hữu Châu ở Khuổi Nặm (nay thuộc thôn Phiêng Khăm), xã Yến Dương diễn ra sự kiện cán bộ Việt Minh cùng bà con nhân dân tổ chức “lấy tiết gà hòa vào bát rượu rồi chuyền tay nhau uống xin thề tham gia vào Hội Việt Minh, một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng”…Như vậy, Hội Mặt trận Việt Minh đã tuyên truyền, giác ngộ, vận động được tầng lớp nhân dân như phó Quản Chiểu Vần tại Pích Cáy và bà con nhân dân Khuổi Nặm (Phiêng Khăm), Yến Dương tham gia tổ chức. Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, các cán bộ Việt Minh đã được bà con nhân dân địa phương giúp đỡ, đùm bọc, tin tưởng đi theo cách mạng đấu tranh giành lại chính quyền về tay nhân dân, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuộc cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và tiến tới tổng khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Việc lấy tiết gà hòa vào bát rượu uống xin thề thể hiện lòng quyết tâm của nhân dân khi gia nhập Hội Việt Minh, đoàn kết một lòng đánh Tây, Nhật đi theo cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột, giành độc lập cho nước Việt Nam.
Như vậy, 02 di tích trên có giá trị to lớn về ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp… Việc thống nhất khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh là cơ sở pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ và phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Vị trí Di tích Pích Cáy, thôn Khuổi Lùng, xã Mỹ Phương
Nguồn tin: