Thực hiện kế hoạch công tác năm 2023 của Bảo tàng tỉnh về điều tra, khảo sát khảo cổ học. Tháng 7 vừa qua, đơn vị phối hợp với các nhà khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành khảo sát khảo cổ học tại các xã Quảng Khê, Hoàng Trĩ thuộc huyện Ba Bể, kết quả đã phát hiện hai di tích mới có dấu tích của người tiền sử và sơ sử cư trú.
Khảo sát hang Nặm Lù (thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ), Đoàn khảo sát đã phát hiện 04 công cụ đá ghè đẽo. Tiến hành đào thăm dò một hố có diện tích 1m2 (1x1m), ở trung tâm của hang thu được 03 mảnh gốm thô có văn thừng, quan sát địa tầng hố đào thăm dò chưa phát hiện tầng văn hoá khảo cổ.
Tại hang thẳm Pán (thôn Bản Pjảc, xã Quảng Khê), Đoàn khảo sát đã sưu lượm được trên bề mặt 02 di vật đá và 01 mảnh gốm thô có văn thừng. Trong số di vật đá, có một chiếc có dấu vết ghè đẽo, di vật còn lại là viên đá cuội suối mỏng dẹt, hình gần bầu dục, trên một mặt có vết lõm sâu do được người tiền sử dùng để kê khi đập các hạt quả lấy nhân làm thức ăn. Cũng giống như hang Nặm Lù, hang Thẳm Pán đã bị con người thời hiện đại cải tạo, sử dụng làm nơi nhốt gia súc, quá trình đó vô tình đã phá huỷ những dấu vết khảo cổ có trong hang.
Trong đợt khảo sát này, Đoàn khảo sát đã tiến hành đào thám sát một hố có diện tích 1,5m2 (1,5m x 1,0m) tại nhánh hang phía nam của hang Thẳm Un. Cửa nhánh hang có hình vòm lớn quay về hướng đông chếch nam, ngăn cách gần như riêng biệt với nhánh phía bắc (địa điểm đào khảo sát năm 2022) bởi một “bức tường” được tạo thành từ đá tảng và nhũ đá phủ kín trên trần hang xuống. Diện tích nhánh hang phía nam rộng khoảng 100m2 và phần lớn nhận được ánh sáng tự nhiên. Hiện tại, trên bề mặt gần như phủ kín những tảng đá lớn từ trên trần hang rơi xuống do biến động địa chấn trong quá khứ, hiện tượng này đã thấy khá phổ biến trong một số hang động trên vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ.
Căn cứ kết quả đào thăm dò cho thấy di tích có một lớp văn hoá duy nhất dày khoảng 50cm, độ kết cấu khá tơi xốp, được hình thành bởi đất sét trong hang đá màu xám sẫm chứa di tích, di vật khảo cổ xen lẫn vỏ nhuyễn thể và xương răng động vật. Hố đào đã phát hiện được dấu tích của 2 bếp cổ trong tầng văn hóa và hàng trăm di vật đá. Đồ gốm tìm thấy ở lớp trên mặt, chưa phát hiện được dấu tích mộ táng.
Tất cả công cụ đá đều được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ, loại hình đơn giản mang đặc trưng công cụ thời sơ kỳ Đá mới có niên đại từ 8.000 đến 10.000 năm cách nay. Đáng chú ý, có một di vật được chế tác từ mảnh đá mỏng, dẹt, hình tứ giác dài, màu đỏ nhạt, có lỗ khoan thủng ở một đầu, có thể là vật trang sức dùng để đeo ở cổ. Đây là loại di vật còn hiếm thấy trong các di tích tiền sử ở nước ta.
Những mảnh gốm tìm thấy ở lớp trên có đặc trưng của gốm thời đại Kim khí với độ nung cao, xương gốm khá mỏng, hoa văn thừng mịn niên đại khoảng từ 3.000 đến 2.500 năm cách nay. Một số mảnh có dấu vết ám khói màu đen bám chặt, chứng tỏ đồ gốm đã được con người sử dụng để đun nấu.
Từ kết quả đào thăm dò năm 2022 và 2023, PGS.TS Trình Năng Chung Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Hang Thẳm Un là một di tích văn hóa tiền sử của nhiều thế hệ cư dân sinh sống. Lớp cư dân sớm nhất thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá mới có niên đại khoảng 10.000 năm đến 8.000 năm cách nay. Sau đó có đợt địa chấn cục bộ làm cho nhiều tảng đá lớn trên trần hang rơi xuống, khiến cư dân đương thời phải rời bỏ đi nơi khác. Khoảng 3.000 năm đến 2.500 năm cách nay, cư dân thời đại Kim khí đã đến đây cư trú và để lại những di vật đồ gốm trong hang”.
Việc phát hiện tầng văn hoá khảo cổ, cùng hàng trăm di vật trong hố đào thăm dò cho thấy, hang Thẳm Un được người tiền sử dùng làm nơi cư trú tập trung, lâu dài. Các di tích lân cận như hang Thẳm Pán, hang Nặm Lù là những địa điểm vệ tinh, dùng làm nơi cư trú tạm thời khi kiếm sống trong khu vực, do đó chưa hình thành tầng văn hoá khảo cổ.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu cho thấy, hang Thẳm Un là di tích tiền sử có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần có kế hoạch nghiên cứu, khai quật, bảo vệ, khai thác tốt các giá trị văn hóa của di tích này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, phục vụ khách du lịch góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Ảnh đào thăm dò khảo cổ học hang Thẳm Un (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể)
Nguồn tin: