Ngày đăng: 11/06/2024 / Lượt xem: 64

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quan tâm đào tạo nghề để VĐV sau khi thi đấu đỉnh cao đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, vấn đề về chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao và việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao được báo cáo đề cập.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thăm, động viên các HLV, VĐV tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội trước kỳ SEA Games 31. (Hình minh họa)

Nhiều chế độ chính sách trong việc huy động, tuyển chọn tài năng và đãi ngộ đối với tài năng thể thao

      Liên quan đến tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoặc đề xuất Bộ chuyên ngành ban hành các chế độ chính sách nhằm khích lệ các vận động viên tập luyện, thi đấu. 

      Cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thể dục, thể thao (năm 2018), trong đó tại khoản 25, Điều 1 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao (09 quyền, 04 nghĩa vụ).

      Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu (từ Điều 3 đến Điều 7), gồm: Tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên khi ốm đau, thai sản, khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu...

      Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 19/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định về chế độ, chính sách cho vận động viên cụ thể tại Chương II (từ Điều 3 đến Điều 8), gồm: Chế độ chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương; Chế độ dinh dưỡng đặc thù; Bảo đảm học tập văn hóa, chính trị; Ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…

      Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao.

      Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao.

      Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định thực hiện chế độ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thuộc thẩm quyền quản lý như cấp nhà cho các vận động viên đặc biệt xuất sắc, tuyển dụng làm huấn luyện viên khi hết tuổi vận động viên...

      Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các chính sách nêu trên sau khi được ban hành đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc huy động, tuyển chọn tài năng và đãi ngộ đối với tài năng thể thao ở nước ta. Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế.

      Cụ thể, chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng). Tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.

      Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao. Đồng thời, một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao quốc tế, tuy nhiên đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.

      Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao.

      Quán triệt, hướng dẫn tổ chức có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ đối với các vận động viên cho các cơ quản quản lý ở địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

      Kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các tổ chức quản lý thể dục, thể thao triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 36/2019/NĐCP, đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của vận động viên thể thao thành tích cao.

      Rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp cho vận động viên gương mẫu, có nhiều cống hiến xuất sắc và đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp thể dục, thể thao.

Quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên để sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao sẽ đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp

      Về vấn đề việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, Bộ trưởng cho hay, Bộ VHTTDL đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 19/4/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục. 

      Theo đó, tại Điều 7 về Ưu đãi học nghề và giải quyết việc làm quy định: Vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

      Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

      Bên cạnh đó, Bộ cũng tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ), tại điểm đ khoản 1 Điều 13 quy định: Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tiếp nhận vào viên chức đối với người có tài năng, năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực thể dục, thể thao khi đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.

      Về một số kết quả đạt được, Bộ trưởng cho hay, thực hiện quy định của Pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai các hoạt động. 

      Thứ nhất là phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho các vận động viên có thành tích xuất sắc khi hết tuổi vận động viên, cụ thể như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vô địch Olympic hiện đang làm huấn luyện viên đội tuyển Bắn súng quốc gia; đô vật Trần Văn Sơn vô địch nhiều kỳ SEA Games hiện làm huấn luyện trưởng đội tuyển vật quốc gia; vận động viên Trương Minh Sang vô địch các kỳ SEA Games làm huấn luyện viên đội tuyển thể dục quốc gia..., và nhiều vận động viên xuất sắc đã được các địa phương tuyển dụng làm huấn luyện viên các đội tuyển tỉnh/thành/ngành.

      Thứ hai là tìm kiếm đối tác cấp học bổng và cơ hội việc làm cho các vận động viên, cụ thể: (1) Ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Đại Nam… về việc đào tạo cử nhân, thạc sĩ đặc biệt cho vận động viên đạt  thành tích xuất sắc; (2) Ký thỏa thuận hợp tác với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam về việc tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên thể thao có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp; (3) Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Alphanam về bảo trợ nghề nghiệp cho các vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành du lịch - khách sạn (trong đó có cả việc làm bán thời gian trong khi vận động viên đang tập trung tập huấn)…

      Đối với nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên để sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao sẽ đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp.

      Cùng với đó là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thể thao chuyên nghiệp cho các vận động viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn làm việc trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức thể thao ngoài công lập./.

Nguồn tin: Thế Công - Xuân Trường - https://bvhttdl.gov.vn