Ngày đăng: 28/08/2024 / Lượt xem: 30

Văn hóa luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của đất nước

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Lê Như Tiến khẳng định, trong suốt chiều dài lịch, văn hóa luôn có sức ảnh hưởng và tác động to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập.

Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin.

Trải qua lịch sử 79 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Văn hóa đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.

Văn hóa luôn có sức ảnh hưởng, tác động to lớn

Đánh giá rất cao vị trí, vai trò của văn hóa trong lịch sử dân tộc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sự của dân tộc, văn hóa luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.

Theo ông Lê Như Tiến, trải qua hàng nghìn năm lịch sử của đất nước, nền văn hóa của chúng ta đã hình thành và có sức ảnh hưởng, tác động rất lớn.

Ngay trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã có bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Trong đó chỉ rõ "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá)". Đây là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cách mạng Việt Nam.

Sau khi chúng ta giành được chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đến tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Bác Hồ đã đưa ra luận điểm: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Vai trò của văn hóa còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiều lần. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng trên Báo Cứu quốc năm 1952, Người đã chỉ rõ: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

Có thể nói, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với khẩu hiệu "Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hoá", "xây dựng đời sống mới", văn hóa Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực, mang đến thắng lợi cho hai cuộc kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học viên trường Nghệ thuật sân khấu trung ương. Ảnh tư liệu

Tiếp nối tinh thần đó, văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã cho thấy những lĩnh vực then chốt của văn hóa chuyển biến tích cực… Văn hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Lê Như Tiến, những năm qua, vị trí, vai trò của văn hóa lại càng được khẳng định. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".

Khái quát vị trí, vai trò của văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

"Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho văn hóa những năm qua là rất lớn. Sự kỳ vọng của người dân đối với văn hóa cũng là rất cao", ông Lê Như Tiến nói.

Thực sự trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức về văn hóa.

"Trong một thời gian khá dài trước đó, dù văn hóa luôn có vị trí hết sức quan trọng nhưng phải thừa nhận rằng, có lúc, có nơi, vai trò của văn hóa còn chưa được quan tâm xứng tầm. Văn hóa chưa được đối xứ bình đẳng với kinh tế, chính trị. Cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, văn hóa mới dần được quan tâm xứng tầm trở lại", ông Nguyễn Túc nhận định.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ mong muốn tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ được quán triệt sâu sắc tới tất cả các cấp, các ngành, để văn hóa được đặt ở vị trí quan trọng vốn có của nó.

"Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, nhận thức về văn hóa của các cấp lãnh đạo của nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song để sự quan tâm đó được bền vững, lâu dài, trở thành trách nhiệm của các cấp đối với sự phát triển văn hóa thì phải có những chương trình, quyết định, hay luật cụ thể…

Tôi được biết Chính phủ hiện đang trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030. Hy vọng Chương trình sẽ sớm được Quốc hội xem xét thông qua, trở thành cú hích cho sự phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự được quan tâm xứng tầm, ngang hàng với kinh tế, chính trị", ông Nguyễn Túc bày tỏ.

Còn theo ông Lê Như Tiến, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, sự chuyển mình của văn hóa để thích ứng là đòi hỏi tất yếu.

Nếu như trước đây khi đất nước còn chiến tranh, văn hóa được coi như một mặt trận xung kích, tham gia trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thì ngày nay, khi đất nước hòa bình, nhiệm vụ phát triển kinh tế được ưu tiên thì đòi hỏi văn hóa phải phát huy vai trò của mình để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Văn hóa cần có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa để thực sự trở thành mục tiêu và động lực phát triển xã hội. Đặc biệt những người làm văn hóa phải tiếp nối và phát huy phẩm chất cách mạng của thế hệ đi trước, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

"Tôi kỳ vọng rất lớn vào đóng góp của ngành văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Mong rằng trong thời gian tới, với sự chung tay của cả xã hội, ngành văn hóa sẽ "vươn vai" mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước", ông Lê Như Tiến bày tỏ./.

 

Nguồn tin: Xuân Trường - https://bvhttdl.gov.vn